Bệnh lý

Điều Trị Tủy Răng

Điều trị tủy răng là gì?

Tủy răng là một tổ chức đặc biệt gồm mạch máu, dây thần kinh, dịch tủy… nằm trong một hốc giữa ngà răng. Nó được coi là trái tim của răng và được bảo vệ bởi lớp ngà răng và men răng.

Viêm tủy răng là tình trạng vùng tủy và các mô quanh chân răng bị viêm nhiễm. Đây là một bệnh lý phổ biến nhưng đa số mọi người đều không phát hiện ra ở giai đoạn đầu. Vì ban đầu khi mới bị viêm tủy bạn sẽ chỉ cảm thấy hơi đau nhức và thời gian xuất hiện rất ngắn nên thường bị bỏ qua. Các cơn đau nhức khó chịu sẽ xuất hiện khi bạn ăn những thức ăn nóng, lạnh hoặc chua. Càng để lâu không điều trị thì các cơn đau sẽ càng kéo dài, khó chịu, nhất là vào ban đêm.

Nguyên nhân dẫn đến viêm tủy răng 

Viêm tủy răng sẽ gây nên tình trạng đau nhức, ê buốt nếu nghiêm trọng có thể dẫn tới mất răng. Viêm tủy răng có thể do những nguyên nhân sau đây:

Sâu răng: Khi răng bị sâu, vết sâu không được trám kín kịp thời, để lâu ngày sẽ xâm lấn vào trong tủy răng, gây ra viêm tủy răng.

Tổn thương ở răng: Răng thường rất dễ bị tổn thương do những tác động bên ngoài như vỡ, mẻ lớn làm ảnh hưởng đến tủy. Hoặc những tác động mạnh bên ngoài có thể làm cho dây thần kinh, mạch máu nuôi tủy răng bị đứt. Những tác động này có thể gây ra tình trạng viêm tủy răng.

Răng bị mài mòn: Những người lớn tuổi do quá trình nhai nghiền thức ăn kéo dài qua nhiều năm tháng nên men răng và xương bị mài mòn. Răng bị mài mòn gần đến tủy sẽ dẫn đến viêm tủy răng.

Răng bị tổn thương: Việc đánh răng quá mạnh tay, không đúng cách cùng với bàn chải quá cứng khiến cổ răng bị mài mòn dần đi. Cổ răng bị khuyết nghiêm trọng có thể làm lộ tủy răng, vi khuẩn xâm nhập gây viêm tủy.

Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ăn: Những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh có thể làm cho răng bị sung huyết, dẫn đến viêm tủy răng.

Do thủ thuật của nha sĩ trong việc điều trị trước đây: Vết trám các lỗ răng sâu điều trị lúc trước chưa được kín. Hoặc việc mài cùi răng trong quá trình bọc sứ bị sai kỹ thuật, mài quá tay làm ảnh hưởng đến tủy răng bên trong. Những tác động này sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm, nguy hiểm hơn có thể làm chết tủy răng.

Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bệnh viêm tủy răng qua các giai đoạn.

– Viêm tủy răng có hồi phục: Nguyên nhân thường do bị sâu răng để kéo dài không điều trị. Người bệnh tự nhiên thấy xuất hiện cơn đau thoáng qua. Ban đêm, họ dễ cảm nhận thấy cơn đau hơn, dễ nhầm với cảm giác ê buốt của sâu răng. Các kích thích (đụng chạm, đồ ăn nóng, lạnh) có thể làm xuất hiện cơn đau hoặc gia tăng cường độ đau. Giai đoạn này tồn tại không lâu, nếu được điều trị kịp thời tuỷ răng sẽ phục hồi.

– Viêm tủy răng cấp: Người bệnh tự nhiên xuất hiện từng cơn đau dữ dội. Đặc biệt sẽ cảm nhận rõ nhất khi thức ăn lọt vào lỗ sâu hay uống nước lạnh, đau lan ra các răng kế cận. Tuy nhiên các cơn đau này thường xuất hiện bất ngờ và kết thúc nhanh trong vài phút. Nếu có mủ, người bệnh đau dữ dội hơn, đau giật như mạch đập, như gõ trống trong tai, răng đau có cảm giác lung lay nhẹ và trồi cao hơn các răng khác.

– Viêm tủy mạn tính: Người bệnh thường đau tự nhiên từng cơn âm ỉ, liên tục hàng giờ, khoảng cách giữa các cơn đau rất ngắn. Đặc biệt đau nhiều hơn về đêm, các cơn đau có thể bị kích thích khi bạn ăn nhai thức ăn.

Tủy răng bị viêm nếu không được điều trị sẽ dẫn đến chết tủy, với trường hợp này bệnh nhân sẽ không thấy đau. Lâu dần những chiếc răng này sẽ yếu đi, xảy ra tình trạng vỡ, mẻ hoặc rụng khỏi cung hàm.

Hậu quả của bệnh viêm tủy răng

Dễ kích ứng khi ăn

Khi bị viêm tủy răng, bạn rất dễ bị kích ứng khi ăn những món ăn ngọt, chua, nóng hoặc lạnh. Theo đó, mức độ ê buốt, khó chịu sẽ tăng dần theo cấp độ viêm tủy cho đến khi tủy bị hoại tử hoàn toàn. Những cơn ê buốt có thể tồn tại vài giây hoặc vài giờ sau khi ăn.

Gây mất răng

Khi bị viêm tủy răng ở mức độ 2 và 3, nguy cơ bị mất răng là rất cao. Nếu mất răng ở những vị trí dễ thấy như răng cửa và răng nanh sẽ làm mất vẻ thẩm mỹ của khuôn mặt. Bên cạnh đó, nếu mất răng ở nhóm răng hàm, khả năng ăn nhai của bạn sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.

Hơn thế nữa, khu vực mất răng xương hàm sẽ dần tiêu giảm, các răng bên cạnh sẽ bị xô lệch, đổ về chỗ răng bị mất. Chúng gây ra tình trạng lệch lạc, sai lệch khớp cắn hoặc có thể dẫn tới nguy cơ rụng thêm các răng khác trên cung hàm.

Suy nhược cơ thể

Thường xuyên xuất hiện những cơn ê buốt khó chịu sẽ khiến bạn bị mất ngủ, biếng ăn, giảm khả năng ăn nhai,… Từ đó khiến sức khỏe tổng quát cũng bị ảnh hưởng, suy giảm nghiêm trọng. Với những người trung niên, có các bệnh nền trước đó sẽ làm các bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.

Bài viết liên quan: